Thứ 3, Ngày 15/10/2024 -

Thành phố Kon Tum: Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững
Ngày đăng: 17/09/2024  09:47
Mặc định Cỡ chữ
Thành phố Kon Tum xác định, chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông thôn mới (NTM) thông minh là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng và xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thời gian qua, thành phố Kon Tum thường xuyên triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng NTM. Qua triển khai, bước đầu nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân về chuyển đổi số được nâng lên, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và người dân chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như: thiết kế website quảng cáo, xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP, đăng ký mã số vùng trồng đối với các vùng nguyên liệu trồng sầu riêng, chanh dây. Đồng thời, người dân nông thôn sử dụng các mạng xã hội, tài khoản thanh toán trực tuyến để trao đổi, mua bán thực hiện các dịch vụ thiết yếu đời sống.

Cụ thể, thành phố Kon Tum hình thành được 3 mã vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Trong đó, 2 mã vùng trồng sầu riêng của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Ia Chim với 35,12ha và 1 mã vùng trồng chanh dây tại phường Ngô Mây của HTX Nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai với 15,7ha. Ngoài ra, có 2 mã vùng trồng tiêu dùng nội địa, bao gồm vùng trồng chanh dây của Thanh Hà Farm (tại thôn 2, xã Đăk Cấm) với 11ha và 1 vùng trồng sầu riêng của hộ ông Lê Văn Trung (tại thôn 5, xã Hòa Bình) với 4ha. Hiện nay, có 3 mã vùng trồng đang chờ Trung Quốc phê duyệt, gồm: 2 vùng trồng sầu riêng của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Ia Chim và 1 vùng trồng chanh dây tại thôn 2, xã Đăk Cấm, với 11ha.

 

 

Lãnh đạo thành phố Kon Tum kiểm tra sản xuất rau sạch tại HTX Phượng Hồng. Ảnh: H.N

 

Một số chủ thể OCOP khai thác và bán hàng trên các sàn giao dịch Thương  mại điện tử (TMĐT) shoppe, lazada... như: hộ kinh doanh Hằng Thuận Tây Nguyên, Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Tây Nguyên Xanh. Bên cạnh đó, có 28 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của 13 chủ thể tham gia đưa sản phẩm lên sàn TMĐT tỉnh (https://kontumtrade.gov.vn), có khoảng 100 hộ nông dân tham gia lớp tập huấn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; có 25 CBCCVC, HTX và nông dân sản xuất nông nghiệp điển hình tham lớp tập huấn chuyển đổi số, triển khai nền tảng phần mềm “Mạng nhà nông”.

Công tác cập nhật dữ liệu về sản xuất nông-lâm nghiệp được duy trì trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được vận hành hiệu quả, như: Phần mềm theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng và phần mềm phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra rừng cài đặt trên SmartPhone ...

Chuyển đổi số trong nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM, trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng NTM cho CBCCVC, người dân, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền thông qua hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng….

Đối với đội ngũ CBCCVC ngành nông nghiệp, tiếp tục tăng cường tiếp cận thông tin, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số nông nghiệp, từ đó làm tốt công tác tham mưu, định hướng, hỗ trợ thúc đẩy các nhiệm vụ chuyển đổi số. 

 

 

Ông Nguyễn Xuân Bờ ở thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum nuôi bò bán công nghiệp. Ảnh: HN

 

Đối với người nông dân, từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tiếp cận các mô hình công nghệ số trong nông nghiệp, qua đó mạnh dạn áp dụng các tiến bộ công nghệ số vào các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ theo dõi, quản lý quy trình sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; khai thác TMĐT để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mạnh dạn tham gia các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị và tính bền vững trong sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý điều hành để đầu tư, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến, dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại tự động hóa vào sản xuất, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn thành phố hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào đến đầu ra để tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo tính ổn định bền vững trong sản xuất, tạo điều kiện cho người nông dân đảm bảo đầu ra cho nông sản và các doanh nghiệp, HTX đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Đồng thời, tăng cường việc cung cấp thông tin về môi trường, đất đai, thời tiết để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Các cơ quan quản lý hỗ trợ, chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số, đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, tạo lập cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý thông tin HTX nông nghiệp, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, HTX khai thác thông tin để tổ chức sản xuất. Đồng thời, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết khó khăn về nguồn vốn; có đủ nguồn lực để đầu tư áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, TMĐT cho các sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số trong nông nghiệp, nông thôn…  

 

 

Nguồn: Báo Kon Tum
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

Đang truy cập: 20

Tổng lượng truy cập: 55.533.570