Trang thông tin điện tử
Thành phố Kon Tum
Thứ 7, Ngày 25/01/2025 -
Thuộc diện hộ nghèo được địa phương chọn hỗ trợ dê giống để nuôi, gia đình anh A Bái, thôn Kroong Klah, xã Kroong rất phấn khởi. Với đặc thù loài dê ăn các loại lá cây nên việc chăn thả cũng đơn giản, ít tốn công, phù hợp với lối sống của bà con DTTS. Ban đầu anh A Bái đã tự tìm hiểu những kiến thức nuôi, chăm sóc dê và nhận biết một số bệnh thường gặp để chủ động phòng bệnh.
Mô hình nuôi dê của A Bái cho tín hiệu khả quan
Anh A Bái, thôn Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum cho biết: “Dê thì mấy lần đầu về nuôi rất khó khăn, sau một thời gian đi tập huấn, đi học, hỏi bạn bè thì rút ra được kinh nghiệm là dê bị bệnh ghẻ, lở mồn long móng, nếu phát hiện sớm thì rất dễ nhưng bệnh đã nặng thì trị rất khó, nhất là bệnh ghẻ không phải trị 1 con mà phải trị cả đàn, cũng phải chịu khó”.
Từ 6 con dê được hỗ trợ ban đầu, nhờ chăm sóc tốt, đàn dê tiếp tục phát triển, luôn duy trì gần 40 con lớn nhỏ. Cũng nhờ từ nuôi dê, kinh tế gia đình anh A Bái phát triển khá và đã thoát khỏi hộ nghèo, có tiền tích luỹ sửa sang nhà cửa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chị Y Blang, thôn Kon Tum Kơ Nâm, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đã nhiều năm nuôi heo. Trước đây chị chỉ nuôi nhỏ lẻ, mỗi năm xuất bán 2 lứa thu được khoảng 8-10 triệu đồng. Năm 2022, thực hiện Dự án giảm nghèo hỗ trợ giống vật vuôi, gia đình chị được thành phố hỗ trợ 5 con heo rừng lai. Thời gian đầu chị chú trọng chăn nuôi và giữ con giống để sinh sản nên số lượng đàn heo tăng lên rất nhanh; cùng với việc chỉ sử dụng thức ăn cho heo là thân cây chuối, các loại rau nên chất lượng heo thị được nhiều người dân ưa chuộng. Giai đoạn hiện nay, chị có heo thịt bán thường xuyên, mỗi lần chị xuất bán từ 6-10 con, đợt nhiều nhất là 33 con. Từ đó, giúp gia đình chị phát triển kinh tế, mua sắm được nhiều vật dụng cho gia đình.
Chị Y Blang, thôn Kon Tum Kơ Nâm, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum nói: “Người ta cấp cho mình con giống rồi mình tự nuôi. Xong rồi nó lớn, nó được heo con nữa rồi mình bán, mình bán xong rồi mình mua đồ gia dụng trong nhà như bộ bàn ghế của mình, mua tivi, rồi xây dựng lại chuồng cho heo nữa”.
Mô hình nuôi heo rừng lai của Chị Y Blang, thôn Kon Tum Kơ Nâm, xã Đăk Rơ Wa
Thời gian triển khai Cuộc vận động tuy chưa dài nhưng đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Bà con đã chủ động trong việc phát triển kinh tế gia đình, ứng dụng tiến bộ KHKT vào trong sản xuất, chăn nuôi, biết chi tiêu hợp lý. Đặc biệt nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã hình thành và nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Tính đến nay trên địa bàn thành phố đã xây dựng gần 230 mô hình, điều này không chỉ giúp nâng cao đời sống cho bà con mà còn góp phần đưa thành phố Kon Tum đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông Hà Đường, Chủ tịch UBMTTQ VN thành phố Kon Tum cho biết: “Đại đa số các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố đã dần có ý thức tự lực, tự cường, thay đổi nhận thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, trong tổ chức sản xuất, biết tìm kiếm việt làm, biết chi tiêu hợp lý, có tích lũy và mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất”.
Việc triển khai xây dựng các mô hình của Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục không còn phù hợp, thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Tin tức liên quan
LỊCH CÔNG TÁC HĐND, UBND TP
CÔNG KHAI KẾT LUẬN, KẾT QUẢ THANH, KIỂM TRA
TIẾP NHẬN, TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP
NÔNG THÔN MỚI
SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG - OCOP
THÔNG TIN CÔNG KHAI
DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC
VĂN MINH ĐÔ THỊ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ
TUYÊN TRUYỀN CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT
Đang truy cập: 20
Tổng lượng truy cập: 55.533.570