Thứ 3, Ngày 15/10/2024 -

Làng Kon Kơtu - Điểm đến du lịch cộng đồng
Ngày đăng: 22/10/2014  13:30
Mặc định Cỡ chữ
Làng Kon Kơtu - Xã Đăk Rơ Wa, Thành phố Kon Tum là một trong số 3 khu dân cư tiêu biểu của tỉnh được chọn khảo sát, xác định mô hình “Du lịch cộng đồng” trong phạm vi Đề án Đầu tư, liên kết, quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 của tỉnh Kon Tum. Đề án do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành xây dựng, làm cơ sở thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Cách trung tâm Tỉnh lỵ chừng 3 cây số, Kon Kơtu là làng vùng sâu, xa nhất của xã Đăk Rơwa. Từ phố thị Kon Tum, qua cầu treo Kon Klor, có một con đường  nhỏ từ ngã ba ở trung tâm xã rẽ vào, len giữa những cánh đồng mía, đồng mì ven sông Đăk Bla dẫn đến khu dân cư của 123 hộ với hơn 600 cư dân người Ba Na. Được thành lập năm 1968, làng Kon KơTu có vị thế lý tưởng, vừa đứng bên núi, vừa ở cạnh sông, thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành. Trải qua thăng trầm lịch sử và biến đổi của đời sống, bà con  vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc bản địa, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, duy trì lễ hội cồng chiêng, các hoạt động văn hóa dân gian…  Vì vậy, Kon Kơtu đã được chọn là điểm đến của du khách trong hành trình ghé thăm Kon Tum. Ban đầu là tự phát theo kiểu “ Tây ba lô”, sau này, những chuyến “du lịch cộng  đồng” về Kon Kơtu được sự kết nối của các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh, trở nên thường xuyên, quen thuộc.

Gia đình chị Y Na - anh A Bênh ở ngay giữa làng, gần nhà rông và nhà nguyện chung. Làm quen với  khung cửi từ khi còn là cô bé 9 - 10 tuổi, nhưng do mải nương rẫy, ruộng đồng nên một thời gian khá dài,Y Na bỏ quên cả nghề dệt thổ cẩm của bà của mẹ. Từ khi làng Kon Kơ tu có khách du lịch đến thăm, chị cần mẫn trở lại với cái kim, sợi chỉ, khung gỗ, cho ra đời những tấm  vải, chiếc khăn, những bộ váy áo thổ cẩm mang đặc trưng văn hóa của người Ba Na. Những kỷ niệm đơn sơ, nhỏ bé của chị theo chân  khách du lịch về với mọi miền sau mỗi chuyến du lịch của họ thăm Kon Kơtu. Mấy năm nay, gia đình chị Y Na được sự đầu tư của một doanh nghiệp ở nội thành Kon Tum, đã dựng lại trong khu vườn nhà hai dãy nhà sàn bằng tranh tre, vách nứa để đón du khách. Khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài  tham quan làng  theo sở thích và nhu cầu. Ban ngày, họ thăm và tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, nhà sàn; tìm hiểu cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào địa phương; dùng những bữa ăn  đơn sơ của người bản địa với cá suối, măng le, lá mì , rau rừng … Buổi chiều, họ chèo thuyền  dọc  đoạn sông Đăk Bla chảy qua làng, sau đó trở về, quây quần đốt lửa, say sưa bên chóe rượu cần, hòa  mình trong  tiếng cồng chiêng và điệu xoang đằm thắm. Nghỉ lại đêm  trong căn nhà sàn dân dã càng là ấn tượng khó quên  đối với du khách… 

Nhà sàn đón khách du lịch ở Kon Kơtu

Anh A Bênh - chồng chị đảm nhận việc tiếp đón, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi cho  khách. Y Na  thì cần mẫn dệt, khâu những bộ  váy áo thổ cẩm  truyền thống và lo chuẩn bị những món ăn truyền thống khi khách yêu cầu. Anh A Bênh cho hay, khách du lịch thường đi một nhóm đôi ba người, nhưng có lúc cả đoàn ( chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên ) đến hàng chục người. Họ lưu lại làng trong thời gian ngắn thì từ sáng đến chiều, dài  thì nghỉ lại 1- 2 đêm. Không nhớ rõ đã có  bao nhiêu lượt khách du lịch đến làng Kon Kơtu và ở lại gia đình trong những năm qua, nhưng vợ chồng anh vẫn không thể nào quên những du khách đặc biệt, để lại tình cảm, ấn tượng sâu sắc. Như cách đây 3 năm, cô sinh viên người Pháp tên là A- Mông- Tiêng cùng bạn gái đến sống ở làng cả năm trời, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với gia đình. Ban ngày, A-Mông-Tiêng lên rẫy làm mì, làm lúa, học dệt thổ cẩm; buổi tối, dạy tiếng Pháp cho con gái  của vợ chồng Y Na, tìm hiểu truyền thống văn hóa của đồng bào Ba Na địa phương…Tuy vậy, do khách du lịch đến không thường xuyên, nên thu nhập từ mỗi chuyến tham quan của khách cũng chỉ giúp gia đình chi tiêu tằn tiện và cho mấy đứa con đi học ở trường xã.

Du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành ở tỉnh Kon Tum. Tuy vậy, mới chỉ có làng Kon Kơtu là nơi tổ chức được loại hình “home stay”, tức là đón du khách vào ở trong nhà dân để trải nghiệm cuộc sống  gia đình và tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương. Ở một số làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện (Kon Plông, Ngọc Hồi …), khách du lịch chủ yếu tham quan trong ngày, chứ chưa ở lại đêm, phần vì chưa có nhu cầu lưu trú, phần vì các khu dân cư này chưa đảm bảo được các điều kiện cần thiết để phục vụ du khách.

Mặc dù đã bước đầu tổ chức cho du khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống ở cộng đồng khu dân cư, song thực tế, làng Kon Kơtu vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách. Trước hết, đó là yêu cầu tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân làng. Thống kê sơ bộ, trong làng có gần 30 nhà sàn có thể đón khách lưu trú, song đây hầu hết là những ngôi nhà đã ít nhiều được “ngói hóa, gạch hóa”, không còn giữ nguyên lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Ba Na. Vì vậy, giảm sút sức hấp dẫn khi lưu trú đối với khách du lịch nước ngoài là điều không tránh khỏi. Nhà rông làng Kon Kơtu là nhà rông đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa, phía trước có khoảng dân rộng khoảng 300m2, vừa tạo cảnh quan, vừa thuận lợi cho việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Tuy vậy, do được xây dựng đã lâu, nên hiện tại, nhà rông đã xuống cấp, hư hỏng nhiều bộ phận tranh tre, rất cần được quan tâm khôi phục, tu bổ. Mặt khác, tuy đã đón nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài, song thực tế, các sản phẩm du lịch ở khu dân cư còn nghèo nàn, đơn điệu… Chính vì vậy, được chọn khảo sát trong khuôn khổ xây dựng Đề án Đầu tư, liên kết, quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 của tỉnh Kon Tum là tín hiệu vui với dân làng Kon Kơtu. Đề án được triển khai cũng sẽ là điều kiện để điểm du lịch này được đầu tư và tổ chức lại một cách hợp lý, xứng đáng trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của thành phố Kon Tum ./. 

Thanh Như

 

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

Đang truy cập: 20

Tổng lượng truy cập: 55.533.570