Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Giới thiệu chung
Ngày đăng: 22/04/2019  22:02
Mặc định Cỡ chữ

 Truyền thuyết của người BahNar kể rằng, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của họ. Khoảng trước năm 1.800 tên gọi Kon Tum chưa xuất hiện. Thời gian này bên dòng Đăk Bla thơ mộng, hiền hòa có làng của tộc người địa phương sinh sống tên gọi là KonTraNgor (về sau gọi là ChưH’Reng). Làng KonTraNgor có cuộc sống rất thịnh vượng với dân số khá đông. Lúc bấy giờ giữa các làng luôn xảy ra chiến sự nên dân làng KonTraNgor cũng thường tổ chức các cuộc trường chinh, đi đánh phá các làng khác để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Trong số những người con của làng KonTraNgor có một người tên là JaXi cùng 2 con trai là Jơ Rông và Uông không cam chịu cảnh những người vùng này luôn gây chiến với các làng khác nên đã rời làng làm Nhà mới gần chỗ có hồ nước cạnh sông Đăk BLa. Vùng đất này rất tốt và có nhiều thuận lợi cho việc định cư, tạo dựng cuộc sống nên dần dần có nhiều người đến ở và mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành một làng mới với tên gọi Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập ra của người BahNar sát bên bờ sông Đăk BLa, nơi có nhiều hồ nước trũng.

Cắt nghĩa theo tiếng BahNar, Kon Tum là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước...) và tên gọi Kon Tum gắn liền với địa danh như đã đề cập ở trên. Đến năm 1913, tỉnh Kon Tum chính thức  thành lập, bao gồm cả địa giới hành chính của 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ngày nay. Ngay từ ngày đầu thành lập, Kon Tum đã được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ, còn Buôn Ma Thuột và Plei Ku chỉ là hai đại lý hành chính trực thuộc… Bởi đây chính là vùng đất địa đầu phía Bắc, có biên giới giáp với 2 nước bạn Lào và CamPuChia, có ngã ba Đông Dương mà chỉ 1 tiếng gà gáy là cả 3 nước đều nghe. Không chỉ thế, Kon Tum còn là khu vực nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng.

Nằm trong vị trí đặc biệt quan trọng nên trong tiến trình lịch sử, Kon Tum luôn bị các thế lực thù địch và giặc ngoại xâm đặt vào tầm ngắm. Thời kỳ đầu của Cách mạng, Kon Tum được biết đến với khu Ngục tù nổi tiếng do thực dân Pháp thành lập, là nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong những năm 1930 - 1931. Năm 1945, Kon Tum được giải phóng và thành lập chính quyền Việt Minh. Năm 1946, với dã tâm thôn tính nước ta lần thứ hai, thực dân Pháp đã bằng mọi giá đánh chiếm lại Kon Tum. Đến năm 1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được giải phóng, chính quyền cách mạng thị xã Kon Tum được thành lập… Và trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh ở Bắc Kon Tum đã mở màn cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những đóng góp, hy sinh to lớn trong hai cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kon Tum đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình phát triển mới của đất nước nói chung và khu vực Tây nguyên nói riêng, năm 1991, tỉnh Kon Tum đã được tái thành lập theo Nghị quyết Quốc hội tại kỳ họp thứ IX khoá VIII. Thị xã Kon Tum ngày đó (nay là Thành phố Kon Tum) trở lại với vai trò vốn có, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Kon Tum…

Đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn Kon Tum, đánh dấu và khơi dậy một thời kỳ phát triển mới cho vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này, thời kỳ của công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách toàn diện trên nền tảng của một đô thị có truyền thống lâu đời, giàu bản sắc văn hoá, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hôi luôn đảm bảo, tạo tiền đề cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư, xây dựng Kon Tum thành đô thị ngày càng phát triển một cách toàn diện…

Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, thị xã Kon Tum đã có những bước tiến quan trọng, tạo dựng cho mình một vóc dáng đô thị đầy tiềm năng, với sự phát triển đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Từ một thị xã nghèo nàn sau giải phóng, sau thời gian kiến thiết, Kon Tum đã vươn mình khởi sắc và minh chứng rõ nhất cho sự phát triển đó là vào tháng 4/2009, thị xã Kon Tum chính thức được Chính phủ quyết định thành lập thành phố Kon Tum trực thuộc tỉnh Kon Tum theo Nghị định số 15/NĐ-CP, ngày 10/4/2009, đây là niềm vinh dự, tự hào, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc anh em nỗ lực hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Trong xu thế ấy, thành phố Kon Tum, nơi có 43.289,74 ha diện tích tự nhiên, với tổng dân số hiện có (tính đến ngày 31/12/2018) khoảng 174.754 người, trong đó (DTTS 63.473 người, chiếm 36,32 % dân số toàn thành phố),  21 đơn vị hành chính gồm 10 phường (Quyết Thắng, Thắng Lợi, Quang Trung, Thống Nhất, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Ngô Mây, Trường Chinh, Lê Lợi và Duy Tân), 11 xã (Hoà Bình, Ia Chim, Đoàn Kết, Vinh Quang, Ngok Bay, Kroong, Đăk Cấm, Đăk Blà, Chư Hreng, Đak Năng, Đăk Rơ Wa). Toàn thành phố có 154 thôn, làng, tổ dân phố. Thành phố Kon Tum nằm trên vùng đất hiền hòa, thơ mộng có dòng ĐăkBla chảy qua. Sông ĐăkBla là một nhánh của sông Pô Cô chảy theo hướng từ Đông sang Tây và là con sông chảy ngược đổ vào hồ YaLy, tạo nguồn nước quan trọng để vận hành nhà máy thủy điện YaLy ngày nay và đây cũng là tiềm năng to lớn để thành phố quy hoạch đô thị hài hòa gắn với phát triển du lịch.

Trong những năm gần đây, thành phố Kon Tum tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp. Giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2018 ước đạt 26.285 tỷ đồng, bằng 100,03% KH, tăng 18,6% so với năm 2017; Trong đó: Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng 64,82% (tăng 0,11%), ngành thương mại, dịch vụ chiếm 30,37% (tăng 0,05%), ngành nông lâm thủy sản 4,81% (giảm 0,16%).

Xác định phát triển kinh tế là trung tâm, thành phố Kon Tum đang tập trung lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng nền Chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược để khai thác lợi thế sẵn có với các lĩnh vực được ưu tiên như dịch vụ ngân hàng, tài chính, viễn thông, dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, các khu nghỉ dưỡng, giải trí, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết gắn với phát triển cây dược liệu, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, thành phố đang triển khai đề án xây dựng làng du lịch cộng đồng KonKtu, xã Đăk Rơ Wa và chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa như văn hóa nhà rông, cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, rượu cần để tạo nên những điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ngoài các dự án lớn đã triển khai đầu tư xây dựng công trình, trong năm 2018, có 01 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn đăng ký 11 tỷ đồng (kho chứa hàng nông sản của Công ty TNHH MTV vạn Thành Sa Thầy); thu hút được các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn WinGroup, FLC đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các Dự án Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum; Dự án Trung tâm thương mại kết hợp nhà phố đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum; Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – Shophouse Vincom Kon Tum…

Cùng với phát triển kinh tế, công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị, xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm đúng mức. Hiện thành phố đã đạt 1/5 tiêu chí với 39/59 tiêu chuẩn của đô thị loại II, có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đang trình, thẩm định hồ sơ để công nhận. Với quyết tâm phấn đấu sớm đưa thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại II, UBND thành phố đã tổ chức rà soát các quỹ đất trên địa bàn hiện nay không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu cùng các nguồn vốn khác dần hoàn thiện các chỉ tiêu của đô thị loại II theo quy định.

Kinh tế phát triển toàn diện chính là động lực thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá xã hội và đời sống người dân ngày được nâng cao. Hệ thống trường học trên địa bàn thành phố, từ mầm non đến các trường đào tạo chuyên nghiệp ngày càng được hoàn thiện và chuẩn hoá. Hiện nay, ngoài trường phổ thông các cấp, thành phố đã có 01 trường cao đẳng cộng đồng và phân hiệu đại học của đại học Đà Nẵng. Đây là những trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng không chỉ cho địa phương, mà  cho cả tỉnh nói chung và về lâu dài là cả khu vực tam giác kinh tế giàu tiềm năng.

Song song với giáo dục, hệ thống y tế - chăm sóc sức khoẻ cũng từng bước được kiện toàn. Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện có 01 Bệnh viện đa khoa, 01 Bệnh viện phục hồi chức năng, 01 Bệnh viện y học cổ truyền và 01 Bệnh viện quốc tế Vạn An (Bệnh viện tư nhân chất lượng cao) đang xây dựng, cùng hệ thống trung tâm kiểm soát bệnh tật, các trạm y tế xã, phường đang được đầu tư đạt chuẩn quốc gia… Tất cả đều không ngoài mục đích phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng tốt hơn..

Cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ, các giá trị văn hoá truyền thống cũng đã được chú trọng gìn giữ, bảo tồn. Giữa nhịp sống của đô thị hiện đại, trong lòng Kon Tum vẫn còn những không gian mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc BahNar, GiaRai với những ngôi làng truyền thống mà biểu tượng là mái nhà rông cao vút, những căn nhà dài cổ xưa, những sản phẩm văn hoá của người bản địa như vải thổ cẩm, đồ thủ công, mỹ nghệ và nét văn hóa ẩm thực độc đáo gỏi lá, cơm lam, gà, cá nướng, rượu cần... Đặc trưng của văn hóa Kon Tum phải kể đến đó là không gian văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Những lễ hội cồng chiêng, múa xoang, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới hòa quyện với tinh hoa của các nền văn hóa đã tạo nên một đô thị Kon Tum vừa mang dáng dấp trẻ trung hiện đại, vừa chứa đựng những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, giống như bản trường ca giữa đại ngàn hùng vĩ./.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

Đang truy cập: 20

Tổng lượng truy cập: 55.533.570