Thứ 7, Ngày 04/05/2024 -

Tự hào gia đình có ba chiến sĩ Điện Biên
Ngày đăng: 22/04/2024  14:29
Mặc định Cỡ chữ
70 sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trong ký ức của dân tộc Việt Nam và hành trang cuộc đời của mỗi chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn vẹn nguyên kỷ niệm về cuộc trường chinh gian khổ, hy sinh song rất đỗi tự hào.

Gần đến ngày lên đường ra Thủ đô Hà Nội tham dự chương trình Gặp mặt cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức vào ngày 23/4/2024, ông Trịnh Xuân Tính (ở thôn 2, xã Đắk Cấm,TP Kon Tum) càng bồi hồi, xúc động. Vinh dự là đại diện duy nhất của các chiến sĩ Điện Biên của tỉnh góp mặt tại sự kiện ý nghĩa này, ông còn mang theo niềm tự hào khi gia đình có ba chiến sĩ đã từng “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” ngày ấy.

Ông Tính quê ở Thiệu Giao, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân ta bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt; chuẩn bị chuyển sang bước ngoặt quyết định. Đang công tác ở trạm y tế xã, chàng trai trẻ lên đường đi chiến dịch. “Ngày đó, đi dân công, ban đầu chủ yếu là tải gạo. Mỗi người đôi quang gánh, cái bao, cái thồ... Cuốc bộ thôi, nhận gạo trạm này đưa đến trạm kia. Vất vả lắm, nhưng chẳng ai thấy nhọc thấy khổ cả. Ai cũng hăng hái, nhiệt tình...” - Ông Tính kể.

 

 

 Vợ chồng chiến sĩ Điện Biên Trịnh Xuân Tính, Lê Thị Nhàn

 

Trước ngày đi dân công hỏa tuyến không lâu, ông Tính đã may mắn được tham gia một lớp bồi dưỡng cấp tốc về kiến thức vệ sinh môi trường và tiếp theo là học lớp đào tạo y tá cơ sở 6 tháng. Vì vậy, khi bước vào chiến dịch, ông đã được tuyển vào đội dân y, bám trụ ở tuyến 2, tức là tiếp nhận và chuyển thương binh từ mặt trận ra tuyến sau để cấp cứu, chữa trị. Ông Tính nhớ lại: Ngày ngày đối mặt với đạn, pháo, máy bay. Ở đâu có quân ta vào trận là ở đó có dân y theo cùng để “chia lửa” trợ lực. Ngã ba Cò Nòi ( Sơn La) vô cùng ác liệt chính là nơi ông Tính và đồng đội đã hết mình phục vụ tải thương.

Gần 70 năm trước, người bạn đời của ông Trịnh Xuân Tính bây giờ là bà Lê Thị Nhàn, người cùng quê cũng hăng hái lên đường đi dân công hỏa tuyến, phục vụ giải phóng Điện Biên. Bà Nhàn nhớ mãi nhóm của bà gồm ba bạn gái thân thiết từ lúc còn ở nhà, rủ nhau tham gia gánh gạo tải lương vụ chiến dịch, càng gắn bó với nhau không rời.

 Đường từ Thanh Hóa lên Tây Bắc xa xôi, cách trở, lực lượng dân công tình nguyện lên đường khá đông, nên Nhàn và các bạn được “ưu tiên” bố trí mỗi chuyến mỗi người chỉ gánh chừng 30 kg gạo, đựng trong hai cái bồ nan cũ. Nhọc nhằn không kể, chứ khó khăn nhất là nhiều hôm, gánh gạo ban đêm đã mệt mỏi lắm, nhưng ban ngày dừng nghỉ, cơm nắm đã hết mà gặp lúc máy bay địch oanh tạc, không thể nấu cơm, nên mọi người đều phải nhịn đói. Cơm thì chỉ chút muối chút vừng, may lắm mới có thêm nắm rau tàu bay nấu canh, nhưng dọc đường gặp phải máy bay,thì có thấy rau rừng cũng đành bỏ lỡ.

Bà Trịnh Thị Mười ở thôn 8, xã Đăk Cấm là em gái ông Trịnh Xuân Tính. Chuẩn bị mừng thọ 90 tuổi, tuy đã nặng tai từ lâu song bà vẫn hào hởi khi nhắc về kỷ niệm tham gia chiến dịch. Đầu năm 1954, khi đang là cán bộ Đoàn ở địa phương, cô gái nhỏ người song gan dạ cũng tình nguyện  theo các anh chị  đi dân công hỏa tuyến. “Người gánh, người  đội, người thồ, người quảy, chỉ đi vào ban đêm, vì ban ngày sợ địch phát hiện. Sau hơn 1 tháng trời mới tới Điện Biên. Khó khăn, vất vả không kể hết, song khổ nhất là những hôm mưa. Cơm chẳng có ăn, mà nhiều khi đến cả nước dùng còn thiếu...”- Bà Mười ngậm ngùi chia sẻ.

 Được giao nhiệm vụ chuyển cáng bộ đội bị thương từ mặt trận ra tuyến ngoài, bà Mười nhỏ bé nên thường được các anh chị mạnh khỏe hơn đỡ đần. Trải hơn 4 tháng nhọc nhằn, bà Mười bảo chưa thấm vào đâu so với các chiến sĩ ở ngoài trận địa, chiến hào, hàng ngày đối mặt với cái chết; song lực lượng dân công hỏa tuyến cũng rất vinh dự, tự hào được góp phần làm nên chiến thắng ngày 7/5/1954.

 Chọn mảnh đất của niềm tự hào ngục Kon Tum bất khuất làm quê hương thứ hai, gần 40 năm qua, gia đình ông Tính, bà Mười  đã không ngừng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua muôn vàn gian khó, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Gia đình các ông bà luôn đi đầu trong mọi phong trào quần chúng ở địa phương, xứng đáng là  gia đình cách mạng gương mẫu.

Bài, ảnh : Thanh Như
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

Đang truy cập: 20

Tổng lượng truy cập: 55.533.570